Hướng dẫn quy trình

QUY TRÌNH BÌNH DUYỆT, ĐĂNG TẢI BÀI BÁO TRÊN TẠP CHÍ Y HỌC QUÂN SỰ

Tạp chí Y học Quân sự là cơ quan ngôn luận của ngành Quân y, thực hiện chức năng thông tin, truyền tải các nội dung khoa học, nghiệp vụ công tác ngành Quân y đến cán bộ, nhân viên quân y toàn quân và bạn đọc quan tâm. Vì vậy, bài đăng trên Tạp chí Y học Quân sự cần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí và phải được thông qua quy trình bình duyệt chặt chẽ.

1. Thể lệ bài báo khoa học gửi đăng trên tạp chí

Bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Y học Quân sự cần bảo đảm yêu cầu:

  1. Bài báo chưa gửi đăng ở bất kỳ báo, tạp chí nào.
  2. Bài viết bằng tiếng Việt, dài 4.500-5.000 chữ (không quá 8 trang A4, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 14). Các thuật ngữ thống nhất theo từ điển Bách khoa Việt Nam và Bách khoa thư bệnh học; các từ viết tắt phải được chú thích trước khi dùng. Bài viết gửi đến tòa soạn qua internet (trang thông tin điện tử và email) hoặc qua đường thư tín.
  3. Bố cục bài viết gồm các phần cơ bản sau:

- Tên bài: ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và trung thực với phạm vi, nội dung bài viết.

- Thông tin về tác giả: họ tên, học hàm, học vị, đơn vị các tác giả; số điện thoại, Email hoặc địa chỉ liên hệ của tác giả chịu trách nhiệm nội dung.

- Tóm tắt: ngắn gọn (nêu rõ mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và kết luận), làm nổi bật trọng tâm bài báo, viết bằng tiếng Việt và có bản dịch tiếng Anh.

- Đặt vấn đề: nêu các thông tin liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tầm quan trọng, tính cần thiết và mục tiêu nghiên cứu.

- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nêu rõ về đối tượng nghiên cứu (cách chọn, số lượng, căn cứ lựa chọn và loại trừ đối tượng nghiên cứu); phương pháp nghiên cứu trên mỗi đối tượng; căn cứ tính toán và đánh giá kết quả trên mỗi đối tượng nghiên cứu.

- Kết quả nghiên cứu: trình bày hệ thống, chặt chẽ, logic minh chứng các kết quả nghiên cứu dưới dạng số liệu, bảng, biểu đồ, hình ảnh…

- Bàn luận: từ những kết quả thu được và các giả thiết, các luận cứ khoa học đã có cùng các nghiên cứu liên quan, giải thích, so sánh, đánh giá, đề nghị và rút ra phương hướng cho những nghiên cứu tiếp theo.

- Kết luận: nêu tổng hợp kết quả chính của nghiên cứu theo mục tiêu đặt ra ban đầu.

- Tài liệu tham khảo: sắp xếp tài liệu tiếng Việt trước, tiếng ngước ngoài sau theo thứ tự vần A, B, C tên tác giả. Mỗi tài liệu viết theo thứ tự: tên tác giả, tên bài báo/sách, tên tạp chí/nhà xuất bản (cơ quan xuất bản), năm xuất bản, số tập, số trang. Lưu ý trong bài viết, cần đưa số tài liệu đã tham khảo sau mỗi nội dung được trích dẫn.

Sau khi nhận bài viết của tác giả, Tạp chí Y học Quân sự sẽ thực hiện các bước bình duyệt nội dung và thông báo đến tác giả kết quả từng bước bình duyệt. Người gửi bài viết đến Tạp chí phải chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả và nội dung công bố của bài viết theo Luật Báo chí và các quy định hiện hành.

2. Quy trình bình duyệt bài báo đăng trên tạp chí

Bước 1 (Tiếp nhận, đăng ký)

Tạp chí tiếp nhận bản thảo do tác giả, nhóm tác giả gửi đến; đăng ký vào danh sách tiếp nhận bản thảo và gửi thông báo đã nhận bản thảo đến tác giả chịu trách nhiệm nội dung.

Bước 2 (Sơ duyệt)

Tạp chí nghiên cứu nội dung bản thảo, đánh giá các bản thảo có nội dung phù hợp tôn chỉ, mục đích của Tạp chí và có hình thức, cấu trúc nội dung phù hợp với thể lệ bài viết đăng trên Tạp chí.

Kết quả sơ duyệt:

- Bản thảo được lựa chọn: tiếp tục thực hiện quy trình bình duyệt.

- Bản thảo không được lựa chọn: không thực hiện tiếp quy trình bình duyệt.

Tạp chí gửi thông báo kết quả sơ duyệt đến tác giả và chuyển bản thảo được lựa chọn sang bước phản biện khoa học.

Bước 3 (Phản biện khoa học)

Bản thảo đạt sau sơ duyệt được gửi đến ít nhất 2 chuyên gia cùng lĩnh vực/chuyên ngành mời phản biện khoa học (theo nguyên tắc kín 2 chiều). Nội dung phản biện khoa học gồm:

- Đánh giá chung:

+ Về hình thức, cấu trúc, mục tiêu bài viết.

+ Về sự phù hợp giữa tên bài với tóm tắt và nội dung bài viết.

+ Về sự phù hợp giữa cơ sở lý thuyết với mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, phương pháp, kết quả nghiên cứu.

+ Về mức độ tin cậy và ý nghĩa khoa học, thực tiễn của nghiên cứu.

- Yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung nội dung bài viết.

- Ý kiến kết luận của chuyên gia:

+ Bài viết đạt yêu cầu đăng trên Tạp chí Y học Quân sự.

+ Bài viết cần chỉnh sửa, bổ sung trước khi đăng trên Tạp chí Y học Quân sự (chuyên gia yêu cầu thẩm định lại trước khi đồng ý).

+ Bài viết cần chỉnh sửa, bổ sung trước khi đăng trên Tạp chí Y học Quân sự (chuyên gia không yêu cầu thẩm định lại).

+ Bài viết không đạt yêu cầu đăng trên Tạp chí Y học Quân sự.

Căn cứ ý kiến kết luận của chuyên gia phản biện khoa học, Tạp chí xử lý bản thảo theo các hướng:

- Với bản thảo có 1 ý kiến phản biện khoa học kết luận không đạt yêu cầu đăng: loại khỏi quy trình bình duyệt.

- Với bản thảo có 1-2 ý kiến phản biện khoa học kết luận cần chỉnh sửa, bổ sung trước khi đăng (không yêu cầu thẩm định lại): Tạp chí chuyển các nội dung nhận xét cho tác giả tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung. Bản thảo sau chỉnh sửa được Tổng biên tập quyết định tiếp tục sử dụng hay loại khỏi quy trình bình duyệt.

- Với bản thảo có 1-2 ý kiến phản biện khoa học kết luận cần chỉnh sửa, bổ sung trước khi đăng (yêu cầu thẩm định lại): Tạp chí chuyển các nội dung nhận xét cho tác giả tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung. Bản thảo sau chỉnh sửa được xử lý tương tự bản thảo đạt yêu cầu bước sơ duyệt.

- Với bản thảo không đạt yêu cầu đăng trên Tạp chí Y học Quân sự: loại khỏi quy trình bình duyệt; đồng thời gửi thông báo kết quả phản biện khoa học đến tác giả.

Bước 4 (Biên tập, hiệu đính)

Bản thảo chấp nhận sau phản biện khoa học được giao các Biên tập viên phối hợp cùng tác giả hiệu đính, bổ sung, biên tập, hoàn chỉnh nội dung và hình thức trình bày tổng thể.

Bước 5 (Chấp nhận đăng)

Bản thảo đã được tác giả chịu trách nhiệm chính và Tạp chí thống nhất nội dung, hình thức trình bày sẽ được Tổng biên tập quyết định chấp nhận đăng và đưa vào danh sách bài báo chờ đăng tải.

3. Quy trình đăng tải bài báo trên tạp chí

Các bản thảo trong danh sách bài báo chờ đăng tải được Tạp chí nghiên cứu, lựa chọn nội dung phù hợp, đưa vào kế hoạch đăng từng số.

- Lựa chọn bài đăng ưu tiên theo thứ tự các căn cứ: chất lượng bài báo; nội dung công bố của bài báo; thời gian chấp nhận đăng bài; cơ cấu nội dung số phát hành; số lượng trang in.

- Lên maket mỗi số: Tổng biên tập quyết định thứ tự, số lượng bài đăng; báo cáo Hội đồng biên tập và chỉ huy Viện Y học dự phòng Quân đội về nội dung, hình thức mỗi số. Tổng biên tập tiếp thu các ý kiến, bổ sung, hoàn thiện maket toàn số và quyết định bản morat gửi cơ sở in ấn.

- In ấn: Tạp chí phối hợp với cơ sở in ấn thực hiện in tạp chí. Tổng biên tập kiểm soát nội dung bản in và hiệu đính bản in (nếu cần).

- Lưu chiểu, phát hành: Tổng biên tập tổ chức lưu chiểu bản in, tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (nếu có) và quyết định phát hành tạp chí in theo luật định.

- Lưu trữ: Tạp chí lưu trữ hồ sơ phát hành các số tạp chí, bao gồm bản thảo gốc, ý kiến phản biện khoa học; các bản thảo suốt quá trình chỉnh sửa, hiệu đính; các ý kiến chỉ đạo, góp ý; bản morat gửi in; số phát hành (và hiệu đính nếu có).

4. Đạo đức xuất bản

4.1. Nhiệm vụ của tác giả

Quyền tác giả: Chỉ những cá nhân có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu mới có quyền tác giả về bài viết.

Tiêu chuẩn về bản thảo bài viết: Tác giả/Các tác giả cần cung cấp bản thảo bài viết đến Tạp chí Y học Quân sự (sau đây là Tạp chí) về kết quả nghiên cứu chưa từng được công bố/xuất bản tại bất kỳ ấn phẩm/trang thông tin nào. Tác giả/Các tác giả cũng nên trình bày khách quan về tầm quan trọng của bài nghiên cứu.

Tính nguyên bản của bản thảo, đạo văn và xác nhận nguồn: Tác giả/Các tác giả cần đảm bảo tính nguyên bản của bài viết trước khi gửi đến Tạp chí. Nếu tác giả sử dụng tài liệu hay lời trích dẫn của các nhà khoa học khác, thì tác gỉả cần phải trích dẫn, trích nguồn hoặc xin phép được sử dụng tài liệu đó trong nghiên cứu.

Truy cập và lưu trữ tài liệu: Dữ liệu, tài liệu tham khảo và các thông tin khác trong bài nghiên cứu phải được trình bày chính xác và đầy đủ để có thể được nhân rộng nghiên cứu. Nếu trong bài viết có sự gian lận hoặc cố ý đưa ra các nhận định không chính xác thì tác giả/các tác giả được coi là có hành vi phi đạo đức. Tác giả/Các tác giả cần cung cấp dữ liệu hỗ trợ nghiên cứu cho quá trình biên tập và truy cập công khai vào dữ liệu đó. Dữ liệu trong bài viết cần được lưu giữ trong một thời gian hợp lý sau khi xuất bản.

Nhiều ấn phẩm: Tác giả/Các tác giả không xuất bản các bản thảo có cùng một nội dung nghiên cứu trên nhiều hơn một tạp chí hoặc đơn vị xuất bản.

Tuyên bố về xung đột lợi ích: Trong bản thảo bài viết, tất cả tác giả cần nêu rõ các mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Tác giả/Các tác giả cần liệt kê cụ thể các nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và/hoặc hoàn thiện bài viết. Nếu nguồn tài trợ không có bất kỳ sự liên quan nào thì tác giả/các tác giả cũng cần phải tuyên bố rõ ràng trong bài viết. Các tác giả cần trình bày sớm nhất có thể những mâu thuẫn tiềm ẩn về quyền lợi liên quan đến bài viết.

Thông báo về các sai sót trong ấn phẩm đã xuất bản: Khi tác giả/các tác giả phát hiện có sai sót trong bài viết đã xuất bản thì phải thông báo ngay cho Ban Biên tập của Tạp chí để rút bài hoặc sửa chữa những nội dung cụ thể trong bài viết nếu Ban Biên tập nhận thấy cần thiết. Nếu Ban Biên tập và Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, thì tác giả/các tác giả có trách nhiệm  hợp tác kịp thời cùng với Ban Biên tập, bao gồm việc cung cấp đầy đủ bằng chứng cho Ban Biên tập khi được yêu cầu.

4.2. Nhiệm vụ của chuyên gia phản biện

Đóng góp trong quyết định biên tập: Nhiệm vụ của các nhà khoa học - chuyên gia phản biện nhằm hỗ trợ Ban Biên tập Tạp chí đưa ra quyết định trong quá trình biên tập và thông qua nhận xét cụ thể các nghiên cứu, từ đó hỗ trợ tác giả/các tác giả và Tạp chí nâng cao chất lượng bài viết. Khi chuyên gia phản biện được Tạp chí mời mà nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện phản biện nghiên cứu được gửi đến hay biết rằng nếu thực hiện phản biện cũng sẽ không mang tính khả thi thì cần phải thông báo ngay cho Ban Biên tập và gửi thư từ chối lời mời tham gia vào quy trình phản biện của Tạp chí.

Tính bảo mật: Bất kỳ bản thảo nào đang trong quy trình phản biện của Tạp chí thì đều được xem như là tài liệu bảo mật. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ tất cả các đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kỳ ai hay liên hệ trực tiếp với tác giả mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập. Chuyên gia phản biện không được sử dụng các tài liệu/kết quả nghiên cứu trong bản thảo bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả/các tác giả.

Cảnh báo về các vấn đề đạo đức: Các chuyên gia phản biện cần có nhận thức cao về các vấn đề xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan đến bài viết và thông báo ngay đến Ban Biên tập, bao gồm bất kỳ sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa các bản thảo đang xem xét với các bài viết đã được công bố mà chuyên gia phản biện biết đến.

Tiêu chuẩn về tính khách quan: Công tác phản biện cần được thực hiện một cách khách quan mà không có sự thiên lệch mang tính cá nhân nào trong quá trình phản biện bản thảo. Việc phê bình cá nhân tác giả/các tác giả đang gửi bản thảo bài viết được coi là không phù hợp. Nếu chuyên gia phản biện đề xuất tác giả đưa trích dẫn nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự) vào bài viết thì đó là vì lý do khoa học chính đáng chứ không phải vì mục đích làm tăng số trích dẫn bài nghiên cứu hay nâng cao tính minh bạch của công trình nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự).

4.3. Nhiệm vụ của Ban Biên tập

Quyết định xuất bản: Ban Biên tập của Tạp chí chịu hoàn toàn trách nhiệm và độc lập đối với việc quyết định đăng tải và xuất bản các bài viết gửi về Tạp chí. Mọi thành viên Ban Biên tập phải tuân thủ các chính sách của Tạp chí và chịu sự ràng buộc từ các quy định pháp luật khác.

Phản biện của chuyên gia: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và đúng hạn trong quy trình phản biện. Bài viết phải được phản biện bởi ít nhất 2 chuyên gia độc lập bên ngoài và khi cần thiết thành viên Ban Biên tập có thể tham khảo thêm các ý kiến khoa học khác. Thành viên Ban Biên tập cần lựa chọn chuyên gia phản biện có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của bài viết để tránh việc lựa chọn các chuyên gia phản biện không phù hợp.

Tính công bằng: Thành viên Ban Biên tập đánh giá bản thảo gửi đến Tạp chí dựa trên nội dung khoa học. Ban Biên tập cần thiết lập một cơ chế minh bạch để đưa ra các quyết định biên tập các bài viết của Tạp chí.

Tính bảo mật: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính bảo mật của tất cả các bản thảo gửi đến Tạp chí và các cuộc trao đổi với chuyên gia phản biện. Thành viên Ban Biên tập cần giữ kín thông tin về các chuyên gia phản biện và không được phép sử dụng các thông tin trong bản thảo để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Công khai về xung đột lợi ích: Thành viên Ban Biên tập không được tham gia vào quy trình xét duyệt các bài viết mà họ tự viết hoặc các thành viên gia đình, đồng nghiệp tham gia viết, hay là bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ mà trong đó thành viên Ban Biên tập được hưởng lợi ích.

5. Phát hiện đạo văn

Các bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Y học Quân sự phải là bài báo chưa gửi đăng ở bất kỳ báo, tạp chí nào. Tất cả các bài báo nộp cho Tạp chí Y học Quân sự sẽ được sàng lọc tự động thông qua phần mềm chống đạo văn. Tạp chí có thể yêu cầu tác giả viết lại nội dung hoặc từ chối đăng bài nếu phát hiện có sự tương đồng lớn giữa bài báo được gửi với các bài báo khác